Sử dụng thức ăn chăn nuôi an toàn, hiệu quả

su-dung-thuc-an-chan-nuoi-an-toan-hieu-qua

Theo tổng hợp của ngành chuyên môn, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa của người dân trong tỉnh hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn công nghiệp này. Thực tế tại các trang trại, hộ chăn nuôi quy mô tập trung trong tỉnh, nhiều mô hình sử dụng 100% thức ăn công nghiệp để chăn nuôi. Bà Đoàn Thị Linh, người chăn nuôi ở xã Tam Đa (Phù Cừ) cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên chăn nuôi trên 100 con lợn thịt và 500 gà thịt. Nếu như cách đây chục năm, thức ăn công nghiệp chỉ là phụ, thức ăn nông nghiệp là chính thì nay đàn lợn của gia đình tôi được nuôi thức ăn công nghiệp 100%, đàn gà sử dụng 80 – 90% thức ăn công nghiệp, phối hợp với thức ăn thô xanh, ngô, đỗ”.

Tuy nhiên, đối với nhiều hộ chăn nuôi, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi chỉ theo thói quen, chưa quan tâm tới thành phần dinh dưỡng, đối tượng sử dụng, lượng phù hợp… Dẫn tới cho vật nuôi sử dụng thức ăn không đúng hướng dẫn, sử dụng quá nhiều hoặc quá ít, không theo lứa tuổi của vật nuôi dẫn tới giảm hiệu quả và tăng chi phí. Ông Trần Văn Lực, người chăn nuôi xã Thụy Lôi (Tiên Lữ) cho biết: “Khi mua thức ăn chăn nuôi, tôi chỉ chọn loại có giá cả phù hợp, cho gia súc, gia cầm ăn theo nhu cầu, nếu cần vỗ béo thì tăng lượng thức ăn và tăng thời gian cho ăn, không theo quy trình nhất định”. Ngoài ra, việc không trang bị đầy đủ kiến thức về sử dụng thức ăn chăn nuôi còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác như: Sử dụng phụ gia, chất bổ sung ngoài danh mục cho phép, sử dụng kháng sinh ngoài danh mục, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…

Để có được nguồn thức ăn và dinh dưỡng tốt phục vụ cho việc tổ chức chăn nuôi, ngoài việc dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần quan tâm lưu ý một số vấn đề như: Đối với thức ăn hỗn hợp công nghiệp, cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ thông tin về sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng phải rõ ràng, có đăng ký bảo đảm chất lượng ghi trên nhãn mác. Đối với thức ăn tự phối trộn, nguyên liệu thức ăn đem phối trộn phải bảo đảm chất lượng, các nguyên liệu thức ăn trước khi phối trộn phải được nghiền nhỏ, tuân thủ theo công thức đã khuyến cáo cho gia súc, gia cầm theo từng giai đoạn sinh trưởng.

Thức ăn chăn nuôi nói chung phải được bảo quản nơi khô ráo, cần có các giá kê thức ăn và nguyên liệu cách mặt đất ít nhất 20cm, không được đặt trực tiếp bao thức ăn xuống nền nhà. Kho chứa thức ăn phải được vệ sinh sạch sẽ, phòng tránh chuột phá hỏng bao bì, dễ gây ẩm mốc và hỏng thức ăn. Định kỳ vệ sinh dọn thức ăn, nguyên liệu rơi vãi trong kho, bởi chúng là nguồn phát triển của độc tố nấm mốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi. Cần sử dụng thức ăn đúng theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển và hướng sản xuất của vật nuôi. Lượng thức ăn cung cấp cho một vật nuôi trong một ngày phải dựa trên nhu cầu và mục đích chăn nuôi để bảo đảm tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng. Trong quá trình chăn nuôi cần ghi chép đầy đủ thông tin liên quan đến việc sử dụng thức ăn như: Mua nguyên liệu, thức ăn công nghiệp, thức ăn tự phối trộn; quá trình cung cấp cho vật nuôi ăn tại chuồng theo khẩu phần hàng ngày; việc bổ sung thuốc vào trong thức ăn để phòng và chữa bệnh…vào sổ theo dõi sẽ giúp cho việc kiểm soát và quản lý nguồn thức ăn một cách tốt hơn. Đặc biệt, mỗi người chăn nuôi cần tự trang bị kiến thức về danh mục chất cấm, kháng sinh cấm, phụ gia cấm dùng trong chăn nuôi, tuyệt đối không sử dụng những loại chất này để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

0 Scroll
090 55555 29
0905555529